Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thế giới nhìn từ Vatican 19-25/5/2012


Năm Hồng Ân Giáo Hội tại Australia


  VaticanLeak: 

Hiến binh Vatican bắt giữ quản gia Phủ Giáo Hoàng

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđictô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46: “Thinh Lặng Và Lời Nói: Con Đường Phúc Âm Hóa”

Anh chị em thân mến,
Gần đến Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau để có được một cuộc đối thoại đích thực và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa.

Thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa. Trong thinh lặng chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ hơn điều chúng ta muốn nói và điều chúng ta mong đợi nơi người khác, chúng ta chọn cách thức diễn đạt. Thinh lặng khiến cho người khác được nói, được bày tỏ, và để ta đừng khư khư quyết giữ lời nói, ý tưởng của mình mà không đối chiếu một cách thích đáng. Như thế, sẽ mở ra một không gian để lắng nghe nhau và một mối tương quan sâu sắc hơn giữa người với người. Chẳng hạn, trong thinh lặng sẽ có được những khoảnh khắc truyền thông xác thực nhất giữa những người yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và thân xác là những dấu hiệu biểu lộ con người. Trong thinh lặng, niềm vui, nỗi lo, đau khổ cất tiếng nói và tìm được cách diễn tả thật đậm nét. Như thế, thinh lặng đem lại hiệu quả tích cực hơn cho truyền thông, vốn đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe -vẫn thường cho thấy mức độ và bản chất các mối tương quan. Sứ điệp và thông tin càng nhiều, lại càng cần đến thinh lặng để phân định điều quan trọng với những điều vô bổ hoặc thứ yếu. Biết suy xét kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta khám phá những mối tương quan giữa các biến cố mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau, để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này giúp chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chín chắn và thích đáng, để xây dựng nền tri thức chung đích thực. Do đó cần xây dựng một bầu khí thuận lợi, một loại ‘hệ thống môi sinh’ có thể tạo thế cân bằng giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Phần lớn hoạt động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy. Sự thinh lặng thật là quý giá để giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác hầu nhận ra và chú tâm vào những vấn đề thực sự quan trọng giữa biết bao yêu cầu và lời giải đáp mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả việc mời gọi suy nghĩ trong thinh  lặng. Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn một câu trả lời vội vã và giúp cho những người đặt câu hỏi đi sâu vào chính cuộc đời họ và mở lòng ra cho con đường dẫn đến câu trả lời mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim con người.

Thực ra, dòng câu hỏi tuôn chảy không ngừng ấy chứng tỏ con người luôn thao thức tìm kiếm những chân lý, quan trọng ít hay nhiều, vốn đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa và niềm hy vọng. Con người không thể hài lòng với một sự trao đổi hời hợt và vô căn cứ về những ý kiến hoài nghi và những kinh nghiệm cuộc đời: tất cả chúng ta là những người đang tìm kiếm chân lý và chia sẻ khát vọng sâu thẳm ấy, nhất là vào thời của chúng ta, khi mà “trao đổi thông tin là chia sẻ chính mình, thế giới quan của mình, niềm hy vọng và lý tưởng của mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011).

Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình. Chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời: “Như Thánh giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (...) Sự thinh lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời Người nói trước đó. Trong những lúc tối tăm, Người nói qua mầu nhiệm của sự thinh lặng của Người” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng giám mục Verbum Domini, 21). Tình yêu cao cả đến độ hiến ban chính mình của Thiên Chúa đã lên tiếng hùng hồn qua sự thinh lặng của Thánh giá. Sau khi Đức Kitô chết, trái đất rơi vào thinh lặng, và ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi “Vị Vua đang ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm và cho những người đã ngủ từ bao đời được trỗi dậy (x. Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy yêu thương đối với nhân loại.

Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa. “Chúng ta cần đến sự thinh lặng ấy, sự thinh lặng trở thành chiêm niệm và đưa chúng ta vào trong cõi thinh lặng của Thiên Chúa và đưa chúng ta đến chỗ mà Lời, Lời cứu chuộc, sinh ra” (Bài giảng trong Thánh Lễ với các thành viên Ủy ban Thần học quốc tế, 6 tháng Mười 2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta chẳng bao giờ đủ và phải nhường chỗ cho sự chiêm ngắm trong thinh lặng. Việc chiêm niệm ấy có sức mạnh làm nảy sinh tính cấp bách của việc truyền giáo, là nghĩa vụ “thông truyền điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1,3). Việc chiêm niệm trong thinh lặng ấy dìm chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu, một Tình yêu hướng chúng ta đến với người lân cận để cảm thông nỗi đau khổ của họ và đem đến cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, sứ điệp sự sống của Người và ân sủng tình yêu viên mãn sẽ cứu thoát họ.

Và rồi, trong thinh lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu - nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, đã tự tỏ mình ra còn mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta hiểu được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt lịch sử loài người. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, mặc khải của Thiên Chúa “được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu Nazareth, là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải. Người đã cho chúng ta nhận biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của con người tìm được câu trả lời nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, một câu trả lời có khả năng xoa dịu nỗi khắc khoải của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm ấy đã sinh ra sứ vụ của Hội Thánh; và Mầu nhiệm ấy thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của niềm hy vọng và ơn cứu độ, chứng nhân của một Tình Yêu làm thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng công lý và hòa bình.

Thinh lặng và Lời nói. Học truyền thông là học lắng nghe và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo Đức Kitô trong thế giới ngày nay.

Tôi xin phó thác tất cả công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Đức Maria, Đấng đã thinh lặng “lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy đơm hoa” (Kinh nguyện trong Cuộc gặp gỡ Giới trẻ tại Loretto, ngày 1-2 tháng Chín 2007), công cuộc rao giảng mà Hội Thánh đang thực thi bằng các phương tiện truyền thông xã hội.

Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2012, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana)
Nguồn: WHĐ

Gx. Tân Phú: Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên


Ngày 20/5/2012, Cùng với Giáo Hội, Gx. Tân Phú long trọng mừng Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là bổn mạng của giáo họ Thăng Thiên trong giáo xứ. Thánh lễ do cha Chánh xứ Lê Đình Quế Minh chủ sự, cha Giuse Maria Nguyễn Hồng Phúc (Giám đốc Học Viện Thừa Sai Việt Nam), hai cha Dòng Cát Minh: Giuse Nguyễn Văn Thiện và Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Chính và cha Antôn Nguyễn Thanh Danh là người con của giáo họ Thăng Thiên Gx. Tân Phú hiện đang phụ tá giáo xứ Trung Chánh, đồng tế.

Giáo họ Thăng Thiên chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ bổn mạng bằng tuần tam nhật tĩnh tâm, và cũng là dịp giúp cho cộng đoàn giáo xứ mừng lễ kính Chúa Thăng Thiên được xứng đáng hơn. Lúc 17g15 Chúa Nhật chính lễ, giáo họ tổ chức cuộc cung nghinh kiệu Chúa Về Trời xung quanh thánh đường thật sốt sắng và trang nghiêm, đội tây nhạc hòa cùng những lời kinh tiếng hát mừng Chúa lên trời của ca đoàn Catarina, các ĐT/CGTH và cộng đoàn giáo xứ.

Lúc 17g45 Thánh lễ trọng thể với lời mở đầu của cha chủ tế: cùng với giáo họ Thăng Thiên, cộng đoàn giáo xứ cung nghinh Chúa Về Trời để tôn vinh ngợi khen và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa qua mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết hướng về Chúa, và hướng đến những sự trên trời để sau này được đoàn tụ trong ánh sáng Phục Sinh vĩnh hằng nơi Thiên Quốc.

Trong bài giảng cha chủ tế chia sẻ: Những ai cùng chết với Chúa Giêsu thì cũng sẽ được sống lại với Người, hãy trở về với bổn phận của mình nơi bản thân, nơi gia đình, nơi xứ đạo… để làm nhân chứng Nước trời, đồng thời chu toàn Sứ Vụ “Loan báo Tin Mừng” của mỗi người, vì Chúa đã dặn dò trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo …”. Theo tinh thần Chúa Kitô, chúng ta tin tưởng rằng lúc nào cũng có Chúa hiện diện và đồng hành với những ai đi theo Ngài. Xin Chúa giúp cho tất cả mọi người chúng ta xác tín mạnh mẽ lời Chúa phán: “Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28:20).(được biết MVTT tgpsaigon.net cũng chọn lễ kính Chúa Thăng Thiên hôm nay làm bổn mạng của ngành Truyền Thông xã hội, một phương tiện loan báo Tin Mừng hiện đại)

Thánh lễ kết thúc lúc 18g40, xin Chúa Thăng Thiên ban cho người Kitô hữu chúng con luôn biết thực hành các giới răn của Chúa, luôn biết loan báo Tin Mừng đến cho mọi người, và chúng con luôn biết ra tay góp sức xây dựng giáo xứ, giáo hội ngày một phát triển để sau này được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa trên Thiên Đàng vì chính Chúa là cội nguồn phúc ân. 

Xin mượn tâm tình bài thơ của tác giả Hai Tê Mượt Vườn sáng tác mừng lễ Chúa Thăng Thiên năm 2012 có chủ đề: VĨNH CƯ THƯỢNG GIỚI để chia sẻ.
Trần gian “tạm trú” mà thôi,
“Vĩnh cư” thượng giới trên nơi Thiên Đàng.
Dù đang sống giữa trần gian,
Nhưng lòng “siêu thoát” chẳng màng lợi danh.
Ngày đêm cương quyết đấu tranh,
Loại trừ gian dối, thực hành yêu thương.
Quyết tâm đi đúng con đường,
Giê-su Cứu Chúa khai trương giữa đời.
Bởi Ngài mong ước mọi người,
Trở nên hoàn thiện về Trời gặp Cha.
Sống trong tình mến bao la,
Cùng muôn thần thánh hoan ca chữ “tình”.
Nghìn thu hồn xác hiển vinh,
Ở trong ánh sáng Phục Sinh vĩnh hằng

“Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới...
                                                     chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2)

                                                                                Bài & ảnh:  Truyenthong.gxtanphu


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

    
 
  Bánh Sự Sống Tháng 05 (tiếp)
Ngày 16-05: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”   (Ga 14,27)
   Bình an mà Chúa để lại đây những ơn huệ giải thoát…Xin Chúa giúp con dứt khóat với bảy mối tội đầu, để tâm hồn có bình an.
Ngày 17-05: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi…”   ( Ga 15, 2) 
   Chúa Giêsu là cây nho thật để Tín hữu nhờ Người mà được sống. Con quyềt sống mật thiết với Chúa hàng ngày để sinh nhiều hoa trái.
Ngày 18-05: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…”   (Ga 15,10)
   Thực hành Lời Chúa trong đời sống là có Chúa hiện diện mọi lúc. Xin tình thương của Chúa tràn ngập trong con trong mọi nơi.
Ngày 19-05: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”   (Ga 15,13)
   Chúa đã yêu con cụ thể bằng cái chết trên thập giá hùng hồn nhất. Xin Mẹ Maria dạy con luôn sống hy sinh cho tha nhân mỗi ngày.
Ngày 20-05: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước.”   (Ga 15,18-21)
   Lý do thế gian ghét các môn đệ là vì họ không thuộc vế thế gian. Xin cho con luôn sáng suốt, để nghe và nhìn thấy việc Chúa làm.

Ngày 21-05: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…”   (Ga 15,16)
   Con không xứng đáng; nhưng vì lòng thương xót Chúa đã gọi con.   Con quyết tâm phục vụ tha nhân thật nhiều để đáp đền ơn Cha.
Ngày 22-05: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.”  (Ga 15,27)  
   Chúa muốn mọi Tín hữu đều làm chứng bằng việc làm cho tha nhân. Xin Mẹ Maria dạy con biết luôn quan tâm đến người khác.
Ngày 23-05: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,8)
   Chúa Thành Thần là sự thật, Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những tội của thế gian. Xin giúp con đừng sa ngã vào tình, tiền và danh vọng.
Ngày 24-05: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”   (Ga 16,14)
   Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt cho mọi người thấy quyền năng của Chúa. Xin mở lòng trí con biết cảm nghiệm tình yêu Chúa.
Ngày 25-05: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng…,không nhớ đến những cơn gian nan nữa". (Ga 16,21)
   Người phụ nữ sống tâm tình vui buồn trước và sau khi sinh con. Xin cho con biết cảm nghiệm sự đau khổ và Phục sinh của Chúa.

Ngày 26-05:  “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em…và tin rằng, Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”   (Ga 16, 27)
   Tình yêu Chúa cho Tín hữu làm người và sống hạnh phúc hôm nay. Xin cho con Đức tin mạnh mẽ trong Lời sự sống của Đức Kitô.
Ngày 27-05: “..anh sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”   (Ga 16, 33)
   Ngày nay biết bao biến cố đang xảy ra trong thời cuối cùng. Xin giúp con biết tỉnh thức trước những cám dỗ của thế gian này.
Ngày 28-05: “..xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”   (Ga 17,11)
   Vì lòng thương xót Chúa con được phục tha nhân hôm nay. Xin cho con được sống hòa thuận, hợp nhất trong Gia đình và Giáo xứ.
Ngày 29-05: “Còn các tông đồ thì ra đi khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông…” (Mc 16,20)
   Moị Kitô hữu đã nhận ba chức vụ: Tư tế, Tiên tri, Vương đế của Chúa. Con quyết sống tốt để làm chứng cho Chúa đang hiện diện.
Ngày 30-05: “vì con đã ban cho họ Lời mà Cha đã ban cho con, họ đã nhận những Lời ấy.”   (Ga 17,8)
   Lời của Cha đã ban cho mọi Tín hữu được nghe trong ngày Chúa Nhật. Con dốc quyết đem Lời Chúa ra thực hành vào đời sống.

Ngày 31-05: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”   (Lc 1,45)
   Mẹ Maria là người Tín hữu Kitô đầu tiên của Tân ước, vì tin vào
Lời Chúa. Xin Mẹ giúp con đọc và sống Phúc Âm mỗi ngày.
            Phó tế GBM Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Gx. TÂN PHÚ: THÁNH LỄ KỶ NIỆM 95 NĂM ĐỨC MẸ FATIMA


  Đức Mẹ Fatima hiện ra tại làng Fatima Bồ Đào Nha
 
 Hãy sám hối và cải thiện đời sống;Siêng năng lần hạt Mân Côi và hy sinh hãm mình đền tội;Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria;Đó là Sứ điệp Fatima mà Đức Mẹ đã nhắn nhủ với nhân loại qua 3 thiếu nhi trên đồi Covada Iria nước Bồ Đào Nha trong 6 lần hiện ra năm 1917.

Lúc 12giờ trưa ngày 12/5/2012, Gx. Tân Phú long trọng cử hành Thánh lễ kỷ niệm 95 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima. Thánh lễ do cha Chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh chủ sự, Đức ông Phanxicô Brogia Trần Văn Khả - Trước đây làm việc trong Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích tại Vatican (nay đã nghỉ hưu), Cha Giuse Phạm An Ninh – giáo xứ Nguyễn Duy Khang, cha Gioan Bt. Nguyễn Văn Phán – Dòng Chúa Cứu Thế, cha Giuse Nguyễn Xuân Lân – Tu hội Chúa Giêsu, cha Gioan Nguyễn Vĩnh Lộc phụ tá Gx. Bùi Phát, cha Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn phụ tá Gx. Bà Điểm, và 3 cha phụ tá Gx.Tân Phú đồng tế.
Thánh lễ được cử hành giữa trưa mặc dù với thời tiết nắng nóng, nhưng với tấm lòng sùng kính Đức Mẹ của hơn 3.000 người trong trang phục đẹp đẽ của các đoàn thể và cộng đoàn dân Chúa đã làm cho khuôn viên Thánh đường giáo xứ trưa nay như mát dịu.
Đúng 12g00 cha chủ sự làm phép hoa các đóa huệ để dâng kính Đức Mẹ và sau đó phân phát cho từng người tham gia cuộc cung nghinh Đức Mẹ Fatima diễn ra chung quanh hành lang Thánh đường. Cuộc rước kiệu Mẹ thật trang nghiêm và sốt sắng hòa với tiếng ngân vang muôn lời tôn vinh Mẹ Fatima của ca đoàn Junior và cộng đoàn giáo xứ.
12g25 Thánh lễ trọng thể tôn kính Đức Mẹ với lời mở đầu của cha chủ sự: chúng con vừa sốt sắng cung nghinh Đức Mẹ, xin Mẹ chúc lành cho tất cả cộng đoàn chúng con nhân kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tại Fatima. Xin dâng lên Đức Mẹ lòng yêu mến chân thành, lòng tôn kính và lời thiết tha tạ ơn Thiên Chúa của giáo xứ chúng con.
 Trong bài giảng Đức ông Phanxicô Brogia chia sẻ: Biến cố Fatima để lại cho nhân loại một ấn tượng đặc biệt hơn các sự kiện khác và nhắn nhủ mọi người hãy thực hiện  các  mệnh lệnh Fatima, và hãy sẵn sàng hướng về Đức Mẹ như là một con đường dẫn đưa chúng ta đến đón  nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Ba trẻ Phanxicô, Giacinta và Lucia được chứng kiến và nghe được lời Đức Mẹ nhắn nhủ, các em liền đem ra thực hành và đã làm thay đổi đời sống, trở nên thánh thiện tốt lành. Còn cộng đoàn chúng con hôm nay, dù không được tường tận nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng vẫn được tiếp cận sứ điệp Mân Côi mà Mẹ trao gởi đến nhân loại. Mẹ đã vạch ra cho mỗi người Kitô hữu chúng con đang sống giữa lòng xã hội đầy khổ đau, qua từng mầu nhiệm Mân Côi mà Mẹ chỉ dạy, chúng con sẽ tìm thấy nguồn an vui.
 Nguyện xin Mẹ Fatima cầu bầu cho chúng con biết biến đổi đời mình như chuỗi Mân Côi sống, diễn tả lại các tâm tình của Chúa trong cuộc sống hằng ngày, từ đó mang lại lợi ích thiêng liêng cho chính tâm hồn chúng con. Để sứ điệp Mân Côi Mẹ nhăn nhủ năm xưa, đạt tới mục đích mà Mẹ mong muốn nơi đoàn con Mẹ: Hãy chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, để thánh hóa cuộc đời mỗi người.
Thánh lễ kết thúc lúc 13g25 sau khi cộng đoàn hát lên bài Thánh ca: Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi…với lòng tin tưởng lắng sâu. Một cơn mưa nhẹ đổ xuống đã làm dịu đi cái nắng nóng giữa trưa mùa hè; và làm cho mọi người tham dự Thánh lễ hôm nay như bừng tỉnh trước sự thờ ơ lạnh nhạt của mình, từ lâu đã cách xa Chúa và Mẹ. Xin Mẹ Fatima cầu bầu cho đoàn con dưới thế mỗi khi mừng kỷ niệm ngày Mẹ hiện ra; luôn biết lắng nghe và thực thi Sứ điệp Fatima mà Mẹ đã yêu thương nhắn nhủ.
Khanhhoa- Truyenthong.gxtanphu


              Photo: Tranvanbac
 
Sống Sứ điệp Fatima: sống Mầu nhiệm chuỗi Mân côi


Ngoài những bí mật mà Đức Maria để lại, chuỗi Mân Côi là phương tiện cầu nguyện không thể thiếu trong những lần Đức Mẹ gặp gỡ ba trẻ. Qua đó, Đức Maria muốn mạc khải cho thế giới rằng, chuỗi Mân Côi không những là mối giây ràng buộc tình mẫu tử giữa Đức Mẹ với loài người mà nó còn nói lên tính hiệu nghiệm của việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Có được những sức mạnh như trên, là vì khi lần chuỗi Mân Côi, ta không chỉ cậy nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, mà còn là sống lại chính cuộc đời Chúa Kitô qua từng mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng mà ta chiêm ngắm khi lần chuỗi. Có thể nói, việc lần chuỗi Mân Côi là cuốn phim làm sống động lại trong tâm hồn chúng ta ký ức về hình ảnh Đức Maria gắn bó suốt hành trình của cuộc đời Chúa Cứu Thế, làm rực lên trong ta những tâm tình thánh thiện của Đức Mẹ, nhờ đó ta cùng được âu yếm như sự kiện Bêlem, khắc khoải như sự kiện Ai Cập, sốt sắng như khi ở đền thờ, đau khổ bên Thánh Giá, vui mừng lúc Phục Sinh, hân hoan và can đảm trong ngày lãnh nhận Thánh Thần, chan chứa niềm hy vọng nơi quê hương vĩnh cửu...

Đọc và chiêm ngắm hành trình Mân Côi như thế, ta nhận ra Chúa sống trong Đức Mẹ, Đức Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Hiểu như thế, ta đừng bỏ chuỗi Mân Côi mà Đức Mẹ đã trao ở Fatima và nhiều nơi khác khi Đức Mẹ viếng thăm thế giới. Bởi nếu Đức Mẹ đã nên một với Chúa, thì chiêm ngắm mầu nhiệm Mân Côi, ta cùng hy vọng được nên một với Chúa như Đức Mẹ.

Trong khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, ta bắt gặp lòng khiêm hạ trong suốt cuộc đời làm người của Chúa Giêsu, thì hôm nay, sống lại sự kiện lịch sử Fatima, ta cũng nhận ra Đức Mẹ đã đi trên con đường của Con mình khi chọn sự khó nghèo để bày tỏ lòng thương xót của Chúa: Đức Mẹ đã không hiện ra nơi đô thị, giữa nhà chọc trời, trong các Vương Cung Thánh Đường, cho các nhân vật quan trọng…, lại chọn nơi hoang vu, núi đồi, xa vắng, chọn những kẻ chất phác, hèn hạ để trao gởi sứ điệp… Đức Mẹ muốn đến với những người không ai thèm đến, đến những chỗ không ai muốn đến. Chúng ta cũng học lấy bài học tự hạ này trong lời kinh Mân Côi, để lòng ta có Chúa. Nhờ sự nghèo khó của bản thân, ta sẽ đạt được chính Thiên Chúa là sự giàu có, là của cải, là gia nghiệp suốt đời của ta…

Đọc kinh Mân Côi, ta hãy tìm giá trị một đời sống thiêng liêng, một linh đạo sâu xa nơi Đức Maria. Đức Mẹ hoạt động, nhưng tất cả mọi cử chỉ và tư tưởng dù vụn vặt nhất, cũng vì Chúa Giêsu, Đức Mẹ không thể có một giây phút nào ngoài Chúa Giêsu. Cuộc đời Đức Mẹ là một vực sâu vô tận của nội tâm chìm trong biển Giêsu. Nơi Đức Mẹ, hoạt động và chiêm niệm không tách lìa, chiêm niệm giữa hoạt động, hoạt động do chiêm niệm.

Đức Mẹ hiện ra nhiều nơi trên thế giới: Trà Kiệu, La Vang, La Salette, Trois-Rivières, Lộ Đức, Fatima và gần đây ở Mễ Du (Mejugore). Ở đâu Đức Mẹ cũng là Mẹ nhân lành được Chúa ủy đến để nhắc nhở lại cho đoàn con tình yêu Chúa và lời kêu gọi của Chúa trước những khúc quanh lịch sử. Đức Mẹ đến với loài người trong tư cách là Đấng “Hiệp Công Cứu Chuộc”.
Các trẻ em được tường tận thấy Đức Mẹ như Phanxicô, Giacinta và Lucia đã thay đổi đời sống, trở nên thánh thiện tốt lành. Còn chúng ta, dù không tường tận nhìn thấy Đức Mẹ như ba trẻ, vẫn được tiếp cận sứ điệp Mân Côi mà Đức Mẹ trao gởi.

 Đó là những lời kinh rất đơn sơ mà ý nghĩa rất sâu xa cả một đường lối tu đức, một chương trình cứu rỗi, đã thánh hóa bao nhiêu tâm hồn. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa được như thế, vẫn bê bối và nguội lạnh?

Có lẽ, chúng ta chỉ sống sứ điệp của Đức Mẹ một cách nông cạn, chủ quan. Hình như ta chỉ đọc sứ điệp ấy lấy có lấy rồi, không một chút suy niệm, không một chút tâm tình, không một chút lắng đọng.

Vậy từ nay, ta hãy tập siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Mỗi khi lần chuỗi, ta hãy ý thức sứ điệp Mân Côi cách thấu đáo: Đó là một sự tận hiến cuộc đời để dấn thân thực hiện chương trình sống đạo thâm sâu, Đức Mẹ đã vạch ra cho người Công Giáo giữa lòng xã hội, qua từng mầu nhiệm Mân Côi mà Đức Mẹ đã nêu gương khi sống bên Chúa Giêsu. Nhờ đó, không những cuộc đời chúng ta sẽ trở nên như một chuỗi Mân Côi sống, diễn tả lại các tâm tình của Chúa trong cuộc sống hằng ngày, mà còn mang lại lợi ích thiêng liêng cho chính tâm hồn chúng ta. Có như thế, sứ điệp Mân Côi của Đức Mẹ mới đạt tới mục đích mà Đức Mẹ mong muốn: Chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, thánh hóa cuộc đời mỗi người.
Lm. JB Vũ Xuân Hạnh

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

THAM KHẢO (Tiếp sức mùa thi 2010)


Gx. Tân Phước: Thực thi tinh thần “Hiệp Thông” và “Sứ Vụ”

Từ vài năm nay, Giáo xứ Tân Phước là một địa chỉ quen thuộc của chương trình “tiếp sức mùa thi”: 78/12 Nguyễn Thị Nhỏ, Phường 9, Quận Tân Bình, TPHCM. Có thể gọi đây là điểm quy tụ của các sĩ tử đến từ mọi miền đất nước vào mùa thi Cao đẳng.
Vào lúc 9h00 ngày 10.7.2010, chúng tôi, Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo Phận TPHCM (MVTT/TPHCM) có dịp ghé thăm cha Giuse Vũ Minh Danh, chánh sở giáo xứ Tân Phước, ngài hiện là Linh mục Đồng hành Mục vụ Truyền Thông hạt Phú Thọ. Ở độ tuổi trung niên, tính tình vui vẻ, hoạt bát. Khi tiếp chuyện với chúng tôi về chương trình “tiếp sức mùa thi”, ngài cho biết, vào những ngày cao điểm số thí sinh tìm đến nơi đây đông đến nỗi quá tải, ngài phải tổ chức trung chuyển thí sinh đến các giáo xứ, những điểm “tiếp sức mùa thi” được bố trí trong Giáo phận gần nơi các em đăng ký dự thi. (tại Sài Gòn có đến 20 điểm Công giáo tiếp sức mùa thi). Cơ sở giáo xứ Tân Phước đã tiếp nhận 400 sĩ tử và trên 100 phụ huynh. Công việc tiếp đón 500 người ăn, ở cần có nhân sự và kế hoạch tổ chức, cha sở đã mời gọi giáo dân thiện nguyện, từ các Hội đoàn Công giáo tiến hành trong giáo xứ như: Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo sinh… được phân chia ra các ban:
Ban Hành Chánh : 20 người
Tình Nguyện Viên : 30 người
Ban Hậu Cần : 40 người
Ban Trật tự : 20 người
Ban Xe Ôm : 100 người
Được biết, dịp này còn có hai thầy từ Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cũng về tham gia tiếp sức với giáo xứ. Từ nơi ăn chốn ở, các bữa ăn, nước uống hoàn toàn miễn phí; kế đến là vệ sinh tắm giặt, giúp cho các em có điều kiện tốt nhất để đi dự thi. Phương tiện xe ôm được hàng trăm “bác tài” liên tục vận chuyển các sĩ tử đến điểm thi đúng giờ và từ trường về sau buổi thi.
Để kết thúc, mỗi đợt thi vào lúc 19h30 sau bữa cơm chiều, ngành Hướng đạo có tổ chức lửa trại liên hoan, chia tay các bạn…Kẻ đi người lại đến, và còn rất đông các em ở lại chờ thi đợt ba vào những ngày sắp tới.
Tiếp xúc với các phụ huynh đến từ Nam Định, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột Đồng Nai, Miền Tây… Họ chia sẻ: Cha sở nơi đây đã tiếp nhận con em và phụ huynh chúng tôi không phân biệt tôn giáo, lo cho chúng tôi đầy đủ, quan tâm từng chút như: nhắc nhở các em khi đi thi cẩn thận tiền bạc, nhớ mang phiếu báo danh,v.v. Một phụ huynh xúc động kể: “Cha sở và cộng đoàn giáo xứ ở đây, lo cho con em chúng tôi quả là chu đáo; lòng quảng đại, sự hy sinh của mọi người rất đáng khâm phục; nghĩa c cao đẹp này, khi về, chúng tôi còn giữ mãi ở trong lòng!...
Những việc làm thiết thực của quý cha và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Phước như chắp thêm cho các em đôi cánh nhân ái bay vào tương lai, và ý nghĩa hơn là cha sở Giuse Vũ Minh Danh đã hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ Tân Phước thể hiện được tinh thần Năm Thánh 2010: Sống bác ái yêu thương trong tình “Hiệp Thông”, làm chứng nhân cho Tin Mừng, thi hành “Sứ Vụ” là đem tình thương Thiên Chúa đến với mọi người …

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Gx. Tân Phú: Mừng Bổn mạng và khai mạc tháng Hoa


Ngày 01 tháng 05 Giáo hội mừng kính Thánh Giuse Lao động, một ngày đại lễ diễn ra hằng năm của cộng đoàn Giáo xứ Tân Phú hạt Tân Sơn Nhì. Vì trong ngày này, Giáo xứ mừng trọng thể kính Thánh bổn mạng - Thánh Giuse lao động. Đồng thời, Giáo xứ đặt Mình Thánh Chúa và luân phiên Chầu thay cho Giáo Phận, cũng như khai mạc tháng hoa kính dâng Đức Mẹ.
Trong niềm vui mừng Bổn Mạng của Giáo xứ, lúc 07h sáng, cha chánh xứ đã đặt Mình Thánh chầu thay mặt Giáo phận. Kế đó, quý cha cùng Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ (HĐMVG/x) đã tổ chức 10 giờ Chầu Thánh Thể được các Giáo họ, các Đoàn thể đã luân phiên nhau, để Tôn thờ, chúc tụng và cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa đã tặng ban cho loài người qua “hiến tế của Chúa Kitô” trong Bí Tích Thánh Thể. 
Lúc 17h00 ánh nắng chiều đã dịu lại, tại sân đài Thánh Thể chính với sự hiện diện của quý cha, tu sỹ, quý chức, các đoàn thể, cùng với sự hiện diện khoảng 5000 người trong trang phục muôn màu rực rỡ, tề tựu chật kín khuôn viên, đội hoa giáo họ Mông Triệu đại diện cho 5 đội hoa của 5 giáo họ đã khởi đầu bằng điệu múa “tiến hoa” lên Đức Mẹ. Hòa cùng âm vang tiếng đàn cùng tiếng hát với bao tiếng lòng của những người con tôn vinh Mẹ Maria, cộng đoàn giáo xứ xin dâng lên Mẹ năm sắc hoa lòng.
Dâng lên Mẹ sắc hoa Hồng của tình yêu thắm nồng, xin cho chúng con được thắm tình mến Mẹ nhiều hơn. Dâng lên Mẹ sắc Huệ trắng của nhân đức khiết trinh, xin cho chúng con được sống trong đơn sơ trong sáng. Dâng lên Mẹ sắc hoa vàng thắm đượm tình yêu, xin cho chúng con được một tình yêu cao cả. Dâng lên Mẹ sắc hoa Tím của lòng thủy chung, xin cho chúng con được trung thành trong phục vụ. Dâng lên Mẹ sắc hoa Xanh của niềm hy vọng, xin cho chúng con luôn trông cậy vào Chúa làm niềm hạnh phúc vô biên… trong muôn sắc hoa Hoa đẹp xinh đoàn con dâng lên theo lời Mẹ hằng nhắn nhủ, Hoa làm hài lòng Mẹ hơn cả là các con hãy kết thành “Tràng Hoa Mân Côi” để dâng tiến Mẹ.
Sau những điệu múa dâng hoa kính Đức Mẹ là cuộc cung nghinh Thánh Thể do cha chánh xứ và ba cha phụ tá rước long trọng chung quanh Thánh đường. Thánh Thể đã dừng lại tại mỗi “trạm Chầu” – biểu trưng một tâm hồn hiệp nhất của một Giáo họ (một trạm chính và 03 trạm phụ do các giáo họ luân phiên đảm trách hằng năm). Tại đây, quý chức, các đoàn thể và cộng đoàn dân Chúa trong hàng ngũ và trang phục chỉnh tề, hướng về Thánh Thể để cùng hợp với cha chánh xứ đại diện cho cộng đoàn dân Chúa dâng lời tôn vinh cảm tạ tình yêu huyền nhiệm của Đức Kitô đã vâng lời hiến tế làm của lễ chuộc lấy tội lỗi của nhân loại, và còn ban chính Thịt và Máu Ngài làm của nuôi dưỡng linh hồn nhân thế. Đoàn rước tiến lên trong tiếng hòa ca thánh thót của ca đoàn Giuse hôm nay cũng là ngày mừng bổn mạng của mình. 
Sau những giờ phút lắng đọng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể,  tâm hồn của hàng ngàn giáo dân lại rộn ràng bước vào Thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng do cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh chủ sự, 03 cha phụ tá: Gioan Bt. Phạm Minh Đức, Giuse Nguyễn Văn Lãnh, Giuse Phạm Văn Thới, và cha phêrô Nguyễn Quốc Hoàng Dòng Cát Minh đồng tế. 
Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse,bổn mạng Giáo xứ, cha chánh xứ gợi lên tâm tình cảm tạ vì qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse Thiên Chúa đã ban muôn hồng ân cho Giáo hội, Giáo xứ và nhiều gia trưởng đã chọn ngài làm bổn mạng. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thánh Giuse, vị Thánh có nhiều nhân đức, ngài luôn bảo trợ những ai biết chạy đến với ngài.
Cha chủ sự chia sẻ trong bài giảng: Chính trong lao động đã mang nhiều giá trị cao quý, Công đồng Vaticano II đã dạy: “Khi làm lụng để sinh sống và nuôi gia đình, hướng công việc của mình nhằm phục vụ xã hội tốt. Để thấy việc lao động của mình là sự kéo dài công trình của Đấng Sáng tạo, là một sự giúp đỡ anh em, là một đóng góp của cá nhân họ vào việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử “.(trích)
Ngày hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội Công Giáo, chúng ta hân hoan mừng kính Thánh cả Giuse, người thợ mộc đáng kính của thành Nazareth. Ngài là mẫu mực cho chúng ta về đời sống nhân đức, âm thầm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, và trong lao động thường nhật. Chính trong khung cảnh bình dị của gia đình nơi làng quê đơn sơ ấy, Thánh Giuse với công việc của mình đã trở nên mẫu gương cho giới cần lao qua mọi thời đại. Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1955 đã chọn Thánh Giuse Công Nhân làm bổn mạng của giới lao động. Ngày 01 tháng 5 hàng năm đã trở nên ngày Quốc tế lao động trên toàn thế giới.
Tạ ơn Thánh Giuse đã nêu cho tất cả chúng con gương mẫu khiêm nhường trong lao động và cả gia đình Nagiaret xưa là một gia đình lao động mẫu mực. Xin cho chúng con biết trân trọng công việc làm, dù sang hay hèn luôn biết phát huy trong đời sống lao động để phục vụ vì Chúa với Chúa và cho danh Chúa được cả sáng.  
Kết lễ cha chánh xứ cám ơn HĐMVG/x, quý chức, quý đoàn thể, ca đoàn, các đội hoa và cộng đoàn dân Chúa đã cộng tác đóng góp vào để buổi đại lễ mừng Thánh quan thầy và khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ năm nay được thành công tốt đẹp. Thánh lễ kết thúc lúc 19h00 cùng ngày, mọi người ra về với tâm tình cảm tạ tri ân Thiên Chúa và lòng tràn ngập hân hoan bình an.

 daminhhung

Photo: Truyenthong.gxtanphu

http://tgpsaigon.net/thu-vien-anh/20120502/15927