Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Gx. Tân Phú: Hành trình một chuyến dã ngoại

WGPSG -- Nghỉ ngơi không chỉ là thời gian để dưỡng sức mà còn là thời gian quý giá để thắt chặt các mối quan hệ với nhau giúp cho mọi người hiểu nhau, gắn bó với nhau trong những công việc. Bởi lẽ, “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cr 10,31)
Sau một năm làm việc, cha chánh xứ cùng với Ban Thường vụ Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMV) đã tổ chức chuyến dã ngoại cho các quý chức và những vị đại diện các đoàn thể trong giáo xứ. Năm nay, Ban Tổ chức đã chọn Thành phố Biển Nha Trang để nghỉ ngơi trong thời gian 3 ngày từ 30/5 đến 01/6.
Đúng 5g00 ngày 30/5/2012, sau khi 4 cha đã cử hành Thánh lễ cầu bình an cho chuyến đi, tổng cộng 43 người đã có mặt dưới tượng đài Đức Mẹ ở sân nhà thờ giáo xứ Tân Phú để cầu nguyện, xin Đức Mẹ cùng đồng hành và phù hộ cho cuộc hành trình được bình an. Sau 10 phút cầu nguyện, mọi người lên xe bắt đầu cuộc dã ngoại.
Chuyến đi khởi hành vào lúc 5g20, sau 11 giờ đồng hồ, đoàn đã có mặt tại Tp. Nha Trang, và đã chọn chỗ nghỉ là nhà khách của dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Nơi đây, chúng tôi đã được Xơ Maria Nguyễn Thị Kim - Phụ trách nhà dòng - mở rộng tấm lòng để tiếp đón.
Trong thời gian này, chúng tôi đã cùng ăn ở, sinh hoạt, tắm biển, tắm bùn khoáng thiên nhiên, cùng cầu nguyện, chia sẻ những công việc trong phận vụ tông đồ của mình.
Trong giờ cầu nguyện buổi tối trước tượng đài Thánh Giuse tại nhà dòng, Cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh chia sẻ: Hôm nay, nhân ngày lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth, xin Đức Mẹ ban tình thương chan hòa xuống cho cộng đoàn chúng con, để anh chị em chúng con luôn nghĩ tới nhau, cầu nguyện cho nhau. Xin Đức Mẹ và Thánh Giuse bầu cử cùng Chúa cho chúng con, để rồi sau khi trở về chúng con lại trở lại với vị trí công việc của mình.
Thánh lễ tạ ơn được 4 cha cử hành lúc 5g00 ngày 01/6/2012 tại nhà nguyện của nhà dòng với lời mở đầu của Cha Gioan Bt. Phạm Minh Đức: “Hôm nay, ngày đầu tiên của tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện đặc biệt nơi Chúa Giêsu. Thật tuyệt vời khi cha chánh xứ và Ban Tổ chức đã chọn 3 ngày này để đi dã ngoại: ngày thứ Tư, Giáo hội kính Thánh Giuse; ngày thứ Năm, Giáo hội kính Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabeth; và ngày hôm nay, Giáo hội kính Thánh Tâm Chúa. Ước ao qua chuyến đi này, được sự che chở, cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse và Thánh Tâm Chúa cho mọi người yêu mến nhau hơn, thắt chặt với nhau hơn trong tình thương bao la của Thiên Chúa.”
Trong bài giảng, Cha Giuse Phạm Văn Thới chia sẻ: “Con người là do Thiên Chúa tạo nên, vậy hãy là một Kitô hữu để loan báo Tin Mừng phục vụ cho anh em. Và sau những ngày này, chúng ta sẽ trở về với phận vụ của mình, phận vụ của người linh mục, phận vụ của Ban HĐMV giáo xứ, phận vụ của các đoàn thể để dấn thân, để biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa qua lời nói và việc làm của mình.”
Rồi thời gian tạm biệt Nha Trang cũng phải đến, ngay sau Thánh lễ, chúng tôi tập trung dưới tượng đài để tạm biệt Thánh Giuse, chia tay và chụp hình lưu niệm với quý xơ ở nhà nghỉ dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn tràn đầy niềm vui và lưu luyến.
Đoàn chúng tôi về tới giáo xứ Tân Phú lúc 21g30 ngày 01/6/2012, và đã dâng lời kinh tiếng hát cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse đã ban cho một chuyến đi vui vẻ và bình an.

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thế giới nhìn từ Vatican 19-25/5/2012


Năm Hồng Ân Giáo Hội tại Australia


  VaticanLeak: 

Hiến binh Vatican bắt giữ quản gia Phủ Giáo Hoàng

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđictô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46: “Thinh Lặng Và Lời Nói: Con Đường Phúc Âm Hóa”

Anh chị em thân mến,
Gần đến Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau để có được một cuộc đối thoại đích thực và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa.

Thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa. Trong thinh lặng chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ hơn điều chúng ta muốn nói và điều chúng ta mong đợi nơi người khác, chúng ta chọn cách thức diễn đạt. Thinh lặng khiến cho người khác được nói, được bày tỏ, và để ta đừng khư khư quyết giữ lời nói, ý tưởng của mình mà không đối chiếu một cách thích đáng. Như thế, sẽ mở ra một không gian để lắng nghe nhau và một mối tương quan sâu sắc hơn giữa người với người. Chẳng hạn, trong thinh lặng sẽ có được những khoảnh khắc truyền thông xác thực nhất giữa những người yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và thân xác là những dấu hiệu biểu lộ con người. Trong thinh lặng, niềm vui, nỗi lo, đau khổ cất tiếng nói và tìm được cách diễn tả thật đậm nét. Như thế, thinh lặng đem lại hiệu quả tích cực hơn cho truyền thông, vốn đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe -vẫn thường cho thấy mức độ và bản chất các mối tương quan. Sứ điệp và thông tin càng nhiều, lại càng cần đến thinh lặng để phân định điều quan trọng với những điều vô bổ hoặc thứ yếu. Biết suy xét kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta khám phá những mối tương quan giữa các biến cố mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau, để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này giúp chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chín chắn và thích đáng, để xây dựng nền tri thức chung đích thực. Do đó cần xây dựng một bầu khí thuận lợi, một loại ‘hệ thống môi sinh’ có thể tạo thế cân bằng giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Phần lớn hoạt động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy. Sự thinh lặng thật là quý giá để giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác hầu nhận ra và chú tâm vào những vấn đề thực sự quan trọng giữa biết bao yêu cầu và lời giải đáp mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả việc mời gọi suy nghĩ trong thinh  lặng. Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn một câu trả lời vội vã và giúp cho những người đặt câu hỏi đi sâu vào chính cuộc đời họ và mở lòng ra cho con đường dẫn đến câu trả lời mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim con người.

Thực ra, dòng câu hỏi tuôn chảy không ngừng ấy chứng tỏ con người luôn thao thức tìm kiếm những chân lý, quan trọng ít hay nhiều, vốn đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa và niềm hy vọng. Con người không thể hài lòng với một sự trao đổi hời hợt và vô căn cứ về những ý kiến hoài nghi và những kinh nghiệm cuộc đời: tất cả chúng ta là những người đang tìm kiếm chân lý và chia sẻ khát vọng sâu thẳm ấy, nhất là vào thời của chúng ta, khi mà “trao đổi thông tin là chia sẻ chính mình, thế giới quan của mình, niềm hy vọng và lý tưởng của mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011).

Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình. Chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời: “Như Thánh giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (...) Sự thinh lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời Người nói trước đó. Trong những lúc tối tăm, Người nói qua mầu nhiệm của sự thinh lặng của Người” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng giám mục Verbum Domini, 21). Tình yêu cao cả đến độ hiến ban chính mình của Thiên Chúa đã lên tiếng hùng hồn qua sự thinh lặng của Thánh giá. Sau khi Đức Kitô chết, trái đất rơi vào thinh lặng, và ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi “Vị Vua đang ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm và cho những người đã ngủ từ bao đời được trỗi dậy (x. Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy yêu thương đối với nhân loại.

Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa. “Chúng ta cần đến sự thinh lặng ấy, sự thinh lặng trở thành chiêm niệm và đưa chúng ta vào trong cõi thinh lặng của Thiên Chúa và đưa chúng ta đến chỗ mà Lời, Lời cứu chuộc, sinh ra” (Bài giảng trong Thánh Lễ với các thành viên Ủy ban Thần học quốc tế, 6 tháng Mười 2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta chẳng bao giờ đủ và phải nhường chỗ cho sự chiêm ngắm trong thinh lặng. Việc chiêm niệm ấy có sức mạnh làm nảy sinh tính cấp bách của việc truyền giáo, là nghĩa vụ “thông truyền điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1,3). Việc chiêm niệm trong thinh lặng ấy dìm chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu, một Tình yêu hướng chúng ta đến với người lân cận để cảm thông nỗi đau khổ của họ và đem đến cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, sứ điệp sự sống của Người và ân sủng tình yêu viên mãn sẽ cứu thoát họ.

Và rồi, trong thinh lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu - nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, đã tự tỏ mình ra còn mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta hiểu được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt lịch sử loài người. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, mặc khải của Thiên Chúa “được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu Nazareth, là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải. Người đã cho chúng ta nhận biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của con người tìm được câu trả lời nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, một câu trả lời có khả năng xoa dịu nỗi khắc khoải của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm ấy đã sinh ra sứ vụ của Hội Thánh; và Mầu nhiệm ấy thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của niềm hy vọng và ơn cứu độ, chứng nhân của một Tình Yêu làm thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng công lý và hòa bình.

Thinh lặng và Lời nói. Học truyền thông là học lắng nghe và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo Đức Kitô trong thế giới ngày nay.

Tôi xin phó thác tất cả công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Đức Maria, Đấng đã thinh lặng “lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy đơm hoa” (Kinh nguyện trong Cuộc gặp gỡ Giới trẻ tại Loretto, ngày 1-2 tháng Chín 2007), công cuộc rao giảng mà Hội Thánh đang thực thi bằng các phương tiện truyền thông xã hội.

Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2012, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana)
Nguồn: WHĐ

Gx. Tân Phú: Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên


Ngày 20/5/2012, Cùng với Giáo Hội, Gx. Tân Phú long trọng mừng Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là bổn mạng của giáo họ Thăng Thiên trong giáo xứ. Thánh lễ do cha Chánh xứ Lê Đình Quế Minh chủ sự, cha Giuse Maria Nguyễn Hồng Phúc (Giám đốc Học Viện Thừa Sai Việt Nam), hai cha Dòng Cát Minh: Giuse Nguyễn Văn Thiện và Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Chính và cha Antôn Nguyễn Thanh Danh là người con của giáo họ Thăng Thiên Gx. Tân Phú hiện đang phụ tá giáo xứ Trung Chánh, đồng tế.

Giáo họ Thăng Thiên chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ bổn mạng bằng tuần tam nhật tĩnh tâm, và cũng là dịp giúp cho cộng đoàn giáo xứ mừng lễ kính Chúa Thăng Thiên được xứng đáng hơn. Lúc 17g15 Chúa Nhật chính lễ, giáo họ tổ chức cuộc cung nghinh kiệu Chúa Về Trời xung quanh thánh đường thật sốt sắng và trang nghiêm, đội tây nhạc hòa cùng những lời kinh tiếng hát mừng Chúa lên trời của ca đoàn Catarina, các ĐT/CGTH và cộng đoàn giáo xứ.

Lúc 17g45 Thánh lễ trọng thể với lời mở đầu của cha chủ tế: cùng với giáo họ Thăng Thiên, cộng đoàn giáo xứ cung nghinh Chúa Về Trời để tôn vinh ngợi khen và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa qua mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết hướng về Chúa, và hướng đến những sự trên trời để sau này được đoàn tụ trong ánh sáng Phục Sinh vĩnh hằng nơi Thiên Quốc.

Trong bài giảng cha chủ tế chia sẻ: Những ai cùng chết với Chúa Giêsu thì cũng sẽ được sống lại với Người, hãy trở về với bổn phận của mình nơi bản thân, nơi gia đình, nơi xứ đạo… để làm nhân chứng Nước trời, đồng thời chu toàn Sứ Vụ “Loan báo Tin Mừng” của mỗi người, vì Chúa đã dặn dò trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo …”. Theo tinh thần Chúa Kitô, chúng ta tin tưởng rằng lúc nào cũng có Chúa hiện diện và đồng hành với những ai đi theo Ngài. Xin Chúa giúp cho tất cả mọi người chúng ta xác tín mạnh mẽ lời Chúa phán: “Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28:20).(được biết MVTT tgpsaigon.net cũng chọn lễ kính Chúa Thăng Thiên hôm nay làm bổn mạng của ngành Truyền Thông xã hội, một phương tiện loan báo Tin Mừng hiện đại)

Thánh lễ kết thúc lúc 18g40, xin Chúa Thăng Thiên ban cho người Kitô hữu chúng con luôn biết thực hành các giới răn của Chúa, luôn biết loan báo Tin Mừng đến cho mọi người, và chúng con luôn biết ra tay góp sức xây dựng giáo xứ, giáo hội ngày một phát triển để sau này được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa trên Thiên Đàng vì chính Chúa là cội nguồn phúc ân. 

Xin mượn tâm tình bài thơ của tác giả Hai Tê Mượt Vườn sáng tác mừng lễ Chúa Thăng Thiên năm 2012 có chủ đề: VĨNH CƯ THƯỢNG GIỚI để chia sẻ.
Trần gian “tạm trú” mà thôi,
“Vĩnh cư” thượng giới trên nơi Thiên Đàng.
Dù đang sống giữa trần gian,
Nhưng lòng “siêu thoát” chẳng màng lợi danh.
Ngày đêm cương quyết đấu tranh,
Loại trừ gian dối, thực hành yêu thương.
Quyết tâm đi đúng con đường,
Giê-su Cứu Chúa khai trương giữa đời.
Bởi Ngài mong ước mọi người,
Trở nên hoàn thiện về Trời gặp Cha.
Sống trong tình mến bao la,
Cùng muôn thần thánh hoan ca chữ “tình”.
Nghìn thu hồn xác hiển vinh,
Ở trong ánh sáng Phục Sinh vĩnh hằng

“Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới...
                                                     chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2)

                                                                                Bài & ảnh:  Truyenthong.gxtanphu


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

    
 
  Bánh Sự Sống Tháng 05 (tiếp)
Ngày 16-05: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”   (Ga 14,27)
   Bình an mà Chúa để lại đây những ơn huệ giải thoát…Xin Chúa giúp con dứt khóat với bảy mối tội đầu, để tâm hồn có bình an.
Ngày 17-05: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi…”   ( Ga 15, 2) 
   Chúa Giêsu là cây nho thật để Tín hữu nhờ Người mà được sống. Con quyềt sống mật thiết với Chúa hàng ngày để sinh nhiều hoa trái.
Ngày 18-05: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…”   (Ga 15,10)
   Thực hành Lời Chúa trong đời sống là có Chúa hiện diện mọi lúc. Xin tình thương của Chúa tràn ngập trong con trong mọi nơi.
Ngày 19-05: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”   (Ga 15,13)
   Chúa đã yêu con cụ thể bằng cái chết trên thập giá hùng hồn nhất. Xin Mẹ Maria dạy con luôn sống hy sinh cho tha nhân mỗi ngày.
Ngày 20-05: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước.”   (Ga 15,18-21)
   Lý do thế gian ghét các môn đệ là vì họ không thuộc vế thế gian. Xin cho con luôn sáng suốt, để nghe và nhìn thấy việc Chúa làm.

Ngày 21-05: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…”   (Ga 15,16)
   Con không xứng đáng; nhưng vì lòng thương xót Chúa đã gọi con.   Con quyết tâm phục vụ tha nhân thật nhiều để đáp đền ơn Cha.
Ngày 22-05: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.”  (Ga 15,27)  
   Chúa muốn mọi Tín hữu đều làm chứng bằng việc làm cho tha nhân. Xin Mẹ Maria dạy con biết luôn quan tâm đến người khác.
Ngày 23-05: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,8)
   Chúa Thành Thần là sự thật, Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những tội của thế gian. Xin giúp con đừng sa ngã vào tình, tiền và danh vọng.
Ngày 24-05: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”   (Ga 16,14)
   Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt cho mọi người thấy quyền năng của Chúa. Xin mở lòng trí con biết cảm nghiệm tình yêu Chúa.
Ngày 25-05: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng…,không nhớ đến những cơn gian nan nữa". (Ga 16,21)
   Người phụ nữ sống tâm tình vui buồn trước và sau khi sinh con. Xin cho con biết cảm nghiệm sự đau khổ và Phục sinh của Chúa.

Ngày 26-05:  “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em…và tin rằng, Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”   (Ga 16, 27)
   Tình yêu Chúa cho Tín hữu làm người và sống hạnh phúc hôm nay. Xin cho con Đức tin mạnh mẽ trong Lời sự sống của Đức Kitô.
Ngày 27-05: “..anh sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”   (Ga 16, 33)
   Ngày nay biết bao biến cố đang xảy ra trong thời cuối cùng. Xin giúp con biết tỉnh thức trước những cám dỗ của thế gian này.
Ngày 28-05: “..xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”   (Ga 17,11)
   Vì lòng thương xót Chúa con được phục tha nhân hôm nay. Xin cho con được sống hòa thuận, hợp nhất trong Gia đình và Giáo xứ.
Ngày 29-05: “Còn các tông đồ thì ra đi khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông…” (Mc 16,20)
   Moị Kitô hữu đã nhận ba chức vụ: Tư tế, Tiên tri, Vương đế của Chúa. Con quyết sống tốt để làm chứng cho Chúa đang hiện diện.
Ngày 30-05: “vì con đã ban cho họ Lời mà Cha đã ban cho con, họ đã nhận những Lời ấy.”   (Ga 17,8)
   Lời của Cha đã ban cho mọi Tín hữu được nghe trong ngày Chúa Nhật. Con dốc quyết đem Lời Chúa ra thực hành vào đời sống.

Ngày 31-05: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”   (Lc 1,45)
   Mẹ Maria là người Tín hữu Kitô đầu tiên của Tân ước, vì tin vào
Lời Chúa. Xin Mẹ giúp con đọc và sống Phúc Âm mỗi ngày.
            Phó tế GBM Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com