Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Giáo xứ Tân Phú: Thánh lễ rước Thánh thể lần đầu

Bài: Bạch Yến & Ảnh: Văn Bắc



WGPSG -- Vào lúc 17g30 ngày 23 tháng 6 năm 2012, tại giáo xứ Tân Phú - hạt Tân Sơn Nhì, Cha chính xứ Giuse Lê Đình Quế Minh đã chủ tế Thánh lễ ban bí tích Thánh Thể cho các em thiếu nhi thuộc 5 giáo họ. Đồng tế với ngài có Cha phụ tá Gioan Baotixita Phạm Minh Đức, cũng là cha linh hướng của thiếu nhi. Thánh lễ có các tu sĩ nam nữ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ, Ban Quản giáo, cộng đoàn dân Chúa, gia đình của các em chịu bí tích tham dự rất đông đảo.
Mở đầu Thánh lễ, tất cả các em xếp hàng rước cha chủ tế tiến lên bàn thờ trong tiếng hát hân hoan: “Chúa mời gọi con đến dự tiệc Thánh…” Cha chủ tế nói lời chào mừng cộng đoàn cùng 218 thiếu nhi được Rước lễ lần đầu hôm nay. Ngài cho biết đây là niềm vui chung của giáo xứ và cũng là hồng ân riêng Chúa ban cho các em và gia đình. Nhân dịp này, ngài giới thiệu và chúc mừng Cha phụ tá Gioan Baotixita sẽ mừng lễ quan thầy vào ngày 24/6 cũng là ngày kỷ niệm 7 năm nhận thánh chức linh mục. Ngài kêu mời cộng đoàn cầu nguyện cho cha linh hướng của Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Phú được nhiều ơn Chúa, nhiều sức khỏe và luôn trung thành với thánh chức đã được trao ban.
Để được nhận bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể lần đầu, các em phải hoàn thành lớp giáo lý Sơ cấp 1, tiếp tục học hỏi về giáo lý lớp Sơ cấp 2 (lớp Xưng tội và Rước lễ lần đầu ). Các em được trang bị những kiến thức cơ bản về đức tin, đồng thời hiểu rõ về các bí tích sắp được lãnh nhận để làm hành trang sống đức tin và biết kết hiệp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Lớp học kéo dài trong 9 tháng, có 3 đợt kiểm tra nhằm đánh giá mức độ tiếp thu, hiểu biết. Tổng số các em đăng ký học được chia thành các tổ theo giáo họ. Mỗi tổ có từ 20 đến 25 em do 2 giáo lý viên và các soeur dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách. Kết quả có 218 em đủ điều kiện được Rước lễ lần đầu.
Trong bài giảng, cha chính xứ nhấn mạnh đến ý nghĩa và ân sủng của bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Nếu bí tích Hòa Giải là một cuộc gặp gỡ của chúng con với Chúa Giêsu để được ơn tha thứ thì bí tích Thánh Thể ban cho chúng con ân sủng để sống đời Kitô hữu giữa trăm ngàn khó khăn và cám dỗ. Vì vậy, bí tích Thánh Thể còn gọi là bí tích Tình Yêu (ĐTC Bênêđictô XVI), là quà tặng của Chúa Cha (Ga 13, 1)”. Ngài nhắc nhở các em: “Đây là dấu ấn các con phải ghi nhớ suốt đời”. Và để dấu ấn đó được in sâu trong tâm hồn các em thì vai trò, bổn phận, trách nhiệm của cha me, gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục, nuôi dưỡng đức tin cho con em mình.
Thánh lễ càng có ý nghĩa qua 5 lời cầu nguyện sốt sắng của các em và nghi lễ tiến nến của 31 em cùng dâng hoa nến, bánh rượu nhịp nhàng theo lời ca bài “Của lễ tình yêu”.
Tiếp theo là nghi thức nhận bí Tích Thánh Thể thật long trọng, trang nghiêm. Mỗi em được rước Mình và Máu Chúa trong niềm hạnh phúc và thiết tha trong tiếng hát: “Chúa đến thăm con xin ở luôn với con, nuôi con bằng Bánh Hằng Sống, hồn xác con nên vẹn toàn…”. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban tặng cho con bí tích Tình Yêu, con mong ước được rước Chúa vào lòng để con sống mãi trong Tình Yêu Chúa, nhưng không còn là con sống mà là chính Chúa sống trong con (x. Gl 2,20).
Sau khi rước lễ, không khí trong thánh đường như chùng xuống khi các em cùng vang cao tiếng hát: “Con ra đời có mẹ cha… ơn biển trời ghi khắc trong tim” thật xúc động như một lời tâm tình để cảm ơn cha mẹ.
Cuối Thánh lễ, đại diện cho 218 phụ huynh ngỏ lời tri ân đến cha chủ tế, cha linh hướng, các tu sĩ nam nữ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ, Ban Quản giáo, các giáo lý viên, ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu cùng cộng đoàn đã giúp lời cầu nguyện, đã hy sinh dạy dỗ, phục vụ các em trong thời gian qua. Đáp lại, cha chủ tế chia vui với các em và gia đình, ngài mời cộng đoàn cùng hướng về Mẹ Maria để dâng lên Mẹ 218 bông hoa tươi của giáo xứ trong ngày các em được Rước lễ lần đầu. Lời ca lắng đọng: “Con dâng về Mẹ một niềm tin yêu bao la…”.
Kết thúc Thánh lễ bằng lời ca: “Xin cảm tạ hồng ân”. Sau đó, cha chủ tế và các cha, Ban Quản giáo và các giáo lý viên chụp hình kỷ niệm với các em cùng gia đình. Nét mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ vì ơn Chúa đang đổ tràn trên mọi người.

Gx. Tân Phú: Lễ rước Thánh thể lần đầu

Giáo xứ Tân Phú: Mừng lễ quan thầy ĐoànThiếu Nhi Thánh Thể

 

WGPSG -- Cứ hẹn lại lên, vào tháng Sáu, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể xứ đoàn Tân Phú lại hân hoan chuẩn bị mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, quan thầy của đoàn với nhiều hoạt động cả về chiều rộng và chiều sâu.
Lúc 7g00 Chúa nhật 10/06/2012, Thánh lễ trọng thể mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa do Cha Gioan Bt. Phạm Minh Đức - Linh hướng đoàn Thiếu nhi Thánh Thể - chủ sự. Thánh lễ được diễn ra long trọng với các nghi thức do các em đội viên, đội trưởng, huynh trưởng, giáo lý viện, trợ úy… thực hiện. Khởi đầu, đại diện toàn bộ gần ba mươi toán trong toàn Đoàn đã rước Cha Linh hướng lên dâng lễ.
Trong tinh thần “Hy sinh”, các em đã được Cha linh hướng nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể tại nhà tiệc ly, cũng như giải thích ý nghĩa hai từ “vượt qua” của Chúa Giêsu: “Vượt qua hận thù đến yêu thương, vượt qua tội lỗi đến thiên đàng …”. Bài giảng của cha cũng có sự tham gia nhiệt tình trả lời câu hỏi của các em đội viên, nhất là các bé lớp 1 lớp 2, đây là thành phần dự kiến sẽ được đoàn ngũ hóa vào “Chiên con” trong thời gian tới.
Sau Thánh lễ, vào lúc 14g30, giờ chầu Thánh Thể và nghi thức cung nghinh Thánh Thể xung quanh nhà thờ được diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm. Thánh Thể Chúa được rước qua bốn trạm nhà tạm của các ngành Ấu, Thiếu, Nghĩa và Giáo lý viên. Đoàn rước ngoài các em đội viên đã đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi đua diễn ra một tháng trước, còn được nối dài bởi dòng giáo dân yêu mến và tôn sùng Thánh Thể Chúa. Sau giờ chầu, Cha Linh hướng GB Phạm Minh Đức cùng với các ông bà quản trợ úy, và Ban Điều hành Đoàn đã công nhận nhà tạm của ngành Nghĩa là đẹp và ý nghĩa nhất.
Tối thứ Hai ngày 11/06/2012, buổi tiệc mừng quan thầy được diễn ra trong không khí sôi động, hào hứng của tuổi trẻ, nhưng cũng không kém phần nồng ấm, yêu thương. Đoàn Thiếu Nhi rất vinh dự được sự quan tâm của bốn cha trong giáo xứ: Cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh, Cha phụ tá Giuse Nguyễn Văn Lãnh và Cha Giuse Phạm Văn Thới, Cha Linh hướng GB Phạm Minh Đức. Đặc biệt, dù đường xá xa xôi, hai Cha cựu linh hướng Maximo Ngô Vĩnh Hy và Cha Giuse Lê Hoàng cũng đích thân đến chung vui. Ngoài ra, còn có sự tham dự của Hội đồng giáo xứ, các hội đoàn, ban ngành trong ngoài xứ.
Buổi tiệc thật rộn ràng với các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị công phu của ba ngành trong Đoàn. Và niềm vui được nhân lên trọn vẹn khi các cha tân cựu linh hướng tham gia với các tiết mục đặc sắc, vui nhộn và có tính giáo dục cao. Đoàn Thiếu Nhi cũng nhận được những lời ân cần khen ngợi, động viên, nhắc nhở của các ban ngành trong giáo xứ. Dịp này, cũng chính thức ra mắt 16 thành viên trong Ban Điều hành Đoàn, đây là những làn gió mới hứa hẹn mùa bội thu trên cánh đồng truyền giáo cho các em thiếu nhi trong giáo xứ.
Cũng trong tinh thần mừng lễ quan thầy, vào thứ Năm ngày 14/06/2012, Hội chợ Đoàn được diễn ra trong sự mong đợi của các bạn nhỏ thiếu nhi. Đây là hội chợ thường niên và được chính tay các anh chị huynh trưởng, đội trưởng thực hiện. Để có phiếu tham gia hội chợ, các em đội viên đã trải qua một kỳ thi đua 4 tuần với việc tham dự các Thánh lễ sáng lúc 5g00, thi đua học hỏi Thánh Kinh, tham dự các hoạt động phụng vụ, đọc kinh… Kết quả là những lá phiếu trên tay, các em đã hân hoan, háo hức tham dự hội chợ này.
Đúng 18g30, các cha đã cắt băng khai mạc hội chợ. Với tổng số trên 15 gian hàng, hơn 1000 đội viên sẽ được tham gia các trò chơi từ dân gian đến hiện đại, từ giải trí đến giáo dục, từ thường ngày đến các sự kiện nóng hổi đang xảy ra như đua cua, ném lon, rút thăm, đá banh,vòng xoay “EURO” .... Với những món quà hấp dẫn dành cho người thắng cuộc, và cả khi không thắng cuộc các bạn cũng được những phần quà an ủi.
Và với tinh thần “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta”, các anh chị đã làm hết sức mình để các em đội viên được đào luyện sâu về “tự nhiên và siêu nhiên” theo đúng tinh thần, tôn chỉ, mục đích phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Đặc biệt là trong những dịp quan trọng như lễ quan thầy Đoàn Thiếu Nhi.
Kết thúc những ngày tất bật, hân hoan mừng quan thầy, Đoàn Thiếu Nhi hy vọng tất cả các em đội viên đều được vui chơi, học hỏi và thăng tiến hơn. Trước mắt các em, kết thúc lễ quan thầy Đoàn sẽ chỉ là khởi đầu cho những phong trào sôi nổi sẽ diễn trong dịp hè.
Tất cả vẫn còn ở phía trước, nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, là Linh hướng và Huynh trưởng tối cao, luôn dẫn dắt chúng con đi đúng theo con đường Chúa định. 
Gx. Tân Phú: Mừng lễ quan thầy Đoàn TNTT

Gx. Tân Phú: Hồng ân Chúa Thánh Thần

 


WGPSG -- Cộng đoàn giáo xứ Tân Phú đã hân hoan chào đón Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm về thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức cho 201 em thiếu nhi vào lúc 8g45 ngày 16/6/2012.
Đúng 9g00, đoàn rước gồm thánh giá nến cao, quý chức xứ họ, các đoàn thể, các em lễ sinh đã rước đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ.
Đức cha phụ tá chủ sự Thánh lễ đồng tế cùng với Cha Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng - hạt trưởng hạt Tân Sơn Nhì, cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh, Cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh, Cha Giuse Phạm Văn Thới và Cha Gioan Bt. Phạm Minh Đức.
Đầu lễ, cha chánh xứ đã tạ ơn Chúa và bày tỏ niềm hân hoan vì Đức cha Phêrô đã đến cử hành Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho các em hôm nay.
Đức cha Phêrô cũng chúc mừng 201 cháu sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, để ra đi làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc hành trình của người Kitô hữu. Ngài khen ngợi sự hiện diện đông đảo của cộng đoàn trong ngôi thánh đường rộng lớn không còn chỗ trống. Ngài kêu gọi mọi giáo dân đến dự lễ hãy cầu nguyện cho con cháu và cầu nguyện cho nhau, để khơi dậy ân huệ mà Chúa Thánh Thần đã ban xuống cho mỗi người khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức.
Trong bài giảng, ngài gợi ý cho một cháu kể lại câu chuyện về tiên tri Samuel được Chúa gọi ba lần vào ban đêm, ông đã chạy đến tìm Thày cả Hêli vì tưởng Thày gọi ông, nhưng lần nào Thày cũng trả lời là không! Thày dạy Samuel trở về phòng, nếu nghe thấy tiếng  gọi một lần nữa thì hãy thưa rằng: “Lạy Chúa, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, xin Chúa hãy phán dạy”. Từ câu  trả lời đó, tiên tri Samuel đã biến đổi cuộc đời và trở nên một tiên tri trung trực của Chúa. Để có những ghi nhớ về Kinh Thánh, Đức cha đã hát cùng các em bài thánh ca được viết dựa theo tích truyện vừa kể: “Xin Cho Con Biết Lắng Nghe” một cách sốt sắng.
Đức cha cũng kể thêm về một tấm gương sống động khác, đó là Chân Phước Gioan Phaolô II: Ngài bị mồ côi mẹ từ khi 9 tuổi, khi lên 11 tuổi, người anh ruột duy nhất là bác sĩ cũng qua đời. Cuộc sống quạnh hiu, mặc dù ba của Ngài còn rất trẻ, nhưng thay vì buồn chán và bỏ bê con cái thì ông đã sống thánh thiện, đạo đức, tiết độ và rất siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ông đã dạy Đức Gioan Phaolô II đọc một bản kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, bản kinh đó Ngài đọc mãi cho đến ngày trở thành giáo hoàng.
Gx. Tân Phú: Hồng ân Chúa Thánh Thần

Cuối lễ, ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa, các em thiếu nhi vừa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, cha mẹ các em và cha mẹ đỡ đầu dâng lên lời tri ân Đức Hồng y, Đức cha Phêrô đã dành những thời giờ quý giá đến thăm mục vụ giáo xứ và ban bí tích Thêm Sức cho 201 em, và hứa với các ngài, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Phú sẽ siêng năng cầu nguyện cho các ngài có sức khoẻ, sự khôn ngoan để tiếp tục vai trò chủ chăn mà Chúa đã trao phó. Cộng đoàn cùng vỗ tay khi các cháu dâng lên Đức cha những bó hoa tươi thắm.
Đức cha đáp lại: Ngài rất xúc động về lời cám ơn và chúc mừng của vị đại diện giáo xứ.
Ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với quý cha và những ân nhân: Để có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ ơn cha chánh xứ, các cha phụ tá đã tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở học giáo lý, cha linh hướng thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và kiểm tra về chương trình và lịch học. Cám ơn các xơ, các ông bà quản, ca đoàn hát lễ hôm nay, các giáo lý viên đã chăm lo cho các cháu về giáo án, bài vở và phương pháp giúp cho các cháu dễ tiếp nhận và thấm nhuần giáo lý một cách sâu sắc. Ông cũng hứa sẽ cùng cộng đoàn cầu nguyện thật nhiều cho quý cha và quý ân nhân có sức khoẻ dồi dào, thánh thiện, sáng suốt trong cương vị chủ chăn và dẫn dắt cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Phú.
Thánh lễ kết thúc vào 11g00 bằng bài ca cảm tạ: “Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la…” trong niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa của cộng đoàn giáo xứ Tân Phú.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Gx. Tân Phú: Hành trình một chuyến dã ngoại

WGPSG -- Nghỉ ngơi không chỉ là thời gian để dưỡng sức mà còn là thời gian quý giá để thắt chặt các mối quan hệ với nhau giúp cho mọi người hiểu nhau, gắn bó với nhau trong những công việc. Bởi lẽ, “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cr 10,31)
Sau một năm làm việc, cha chánh xứ cùng với Ban Thường vụ Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMV) đã tổ chức chuyến dã ngoại cho các quý chức và những vị đại diện các đoàn thể trong giáo xứ. Năm nay, Ban Tổ chức đã chọn Thành phố Biển Nha Trang để nghỉ ngơi trong thời gian 3 ngày từ 30/5 đến 01/6.
Đúng 5g00 ngày 30/5/2012, sau khi 4 cha đã cử hành Thánh lễ cầu bình an cho chuyến đi, tổng cộng 43 người đã có mặt dưới tượng đài Đức Mẹ ở sân nhà thờ giáo xứ Tân Phú để cầu nguyện, xin Đức Mẹ cùng đồng hành và phù hộ cho cuộc hành trình được bình an. Sau 10 phút cầu nguyện, mọi người lên xe bắt đầu cuộc dã ngoại.
Chuyến đi khởi hành vào lúc 5g20, sau 11 giờ đồng hồ, đoàn đã có mặt tại Tp. Nha Trang, và đã chọn chỗ nghỉ là nhà khách của dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Nơi đây, chúng tôi đã được Xơ Maria Nguyễn Thị Kim - Phụ trách nhà dòng - mở rộng tấm lòng để tiếp đón.
Trong thời gian này, chúng tôi đã cùng ăn ở, sinh hoạt, tắm biển, tắm bùn khoáng thiên nhiên, cùng cầu nguyện, chia sẻ những công việc trong phận vụ tông đồ của mình.
Trong giờ cầu nguyện buổi tối trước tượng đài Thánh Giuse tại nhà dòng, Cha chánh xứ Giuse Lê Đình Quế Minh chia sẻ: Hôm nay, nhân ngày lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth, xin Đức Mẹ ban tình thương chan hòa xuống cho cộng đoàn chúng con, để anh chị em chúng con luôn nghĩ tới nhau, cầu nguyện cho nhau. Xin Đức Mẹ và Thánh Giuse bầu cử cùng Chúa cho chúng con, để rồi sau khi trở về chúng con lại trở lại với vị trí công việc của mình.
Thánh lễ tạ ơn được 4 cha cử hành lúc 5g00 ngày 01/6/2012 tại nhà nguyện của nhà dòng với lời mở đầu của Cha Gioan Bt. Phạm Minh Đức: “Hôm nay, ngày đầu tiên của tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện đặc biệt nơi Chúa Giêsu. Thật tuyệt vời khi cha chánh xứ và Ban Tổ chức đã chọn 3 ngày này để đi dã ngoại: ngày thứ Tư, Giáo hội kính Thánh Giuse; ngày thứ Năm, Giáo hội kính Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabeth; và ngày hôm nay, Giáo hội kính Thánh Tâm Chúa. Ước ao qua chuyến đi này, được sự che chở, cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse và Thánh Tâm Chúa cho mọi người yêu mến nhau hơn, thắt chặt với nhau hơn trong tình thương bao la của Thiên Chúa.”
Trong bài giảng, Cha Giuse Phạm Văn Thới chia sẻ: “Con người là do Thiên Chúa tạo nên, vậy hãy là một Kitô hữu để loan báo Tin Mừng phục vụ cho anh em. Và sau những ngày này, chúng ta sẽ trở về với phận vụ của mình, phận vụ của người linh mục, phận vụ của Ban HĐMV giáo xứ, phận vụ của các đoàn thể để dấn thân, để biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa qua lời nói và việc làm của mình.”
Rồi thời gian tạm biệt Nha Trang cũng phải đến, ngay sau Thánh lễ, chúng tôi tập trung dưới tượng đài để tạm biệt Thánh Giuse, chia tay và chụp hình lưu niệm với quý xơ ở nhà nghỉ dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn tràn đầy niềm vui và lưu luyến.
Đoàn chúng tôi về tới giáo xứ Tân Phú lúc 21g30 ngày 01/6/2012, và đã dâng lời kinh tiếng hát cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse đã ban cho một chuyến đi vui vẻ và bình an.

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thế giới nhìn từ Vatican 19-25/5/2012


Năm Hồng Ân Giáo Hội tại Australia


  VaticanLeak: 

Hiến binh Vatican bắt giữ quản gia Phủ Giáo Hoàng

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđictô Nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 46: “Thinh Lặng Và Lời Nói: Con Đường Phúc Âm Hóa”

Anh chị em thân mến,
Gần đến Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau để có được một cuộc đối thoại đích thực và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa.

Thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa. Trong thinh lặng chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ hơn điều chúng ta muốn nói và điều chúng ta mong đợi nơi người khác, chúng ta chọn cách thức diễn đạt. Thinh lặng khiến cho người khác được nói, được bày tỏ, và để ta đừng khư khư quyết giữ lời nói, ý tưởng của mình mà không đối chiếu một cách thích đáng. Như thế, sẽ mở ra một không gian để lắng nghe nhau và một mối tương quan sâu sắc hơn giữa người với người. Chẳng hạn, trong thinh lặng sẽ có được những khoảnh khắc truyền thông xác thực nhất giữa những người yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và thân xác là những dấu hiệu biểu lộ con người. Trong thinh lặng, niềm vui, nỗi lo, đau khổ cất tiếng nói và tìm được cách diễn tả thật đậm nét. Như thế, thinh lặng đem lại hiệu quả tích cực hơn cho truyền thông, vốn đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe -vẫn thường cho thấy mức độ và bản chất các mối tương quan. Sứ điệp và thông tin càng nhiều, lại càng cần đến thinh lặng để phân định điều quan trọng với những điều vô bổ hoặc thứ yếu. Biết suy xét kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta khám phá những mối tương quan giữa các biến cố mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau, để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này giúp chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chín chắn và thích đáng, để xây dựng nền tri thức chung đích thực. Do đó cần xây dựng một bầu khí thuận lợi, một loại ‘hệ thống môi sinh’ có thể tạo thế cân bằng giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Phần lớn hoạt động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy. Sự thinh lặng thật là quý giá để giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác hầu nhận ra và chú tâm vào những vấn đề thực sự quan trọng giữa biết bao yêu cầu và lời giải đáp mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả việc mời gọi suy nghĩ trong thinh  lặng. Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn một câu trả lời vội vã và giúp cho những người đặt câu hỏi đi sâu vào chính cuộc đời họ và mở lòng ra cho con đường dẫn đến câu trả lời mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim con người.

Thực ra, dòng câu hỏi tuôn chảy không ngừng ấy chứng tỏ con người luôn thao thức tìm kiếm những chân lý, quan trọng ít hay nhiều, vốn đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa và niềm hy vọng. Con người không thể hài lòng với một sự trao đổi hời hợt và vô căn cứ về những ý kiến hoài nghi và những kinh nghiệm cuộc đời: tất cả chúng ta là những người đang tìm kiếm chân lý và chia sẻ khát vọng sâu thẳm ấy, nhất là vào thời của chúng ta, khi mà “trao đổi thông tin là chia sẻ chính mình, thế giới quan của mình, niềm hy vọng và lý tưởng của mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011).

Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình. Chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời: “Như Thánh giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (...) Sự thinh lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời Người nói trước đó. Trong những lúc tối tăm, Người nói qua mầu nhiệm của sự thinh lặng của Người” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng giám mục Verbum Domini, 21). Tình yêu cao cả đến độ hiến ban chính mình của Thiên Chúa đã lên tiếng hùng hồn qua sự thinh lặng của Thánh giá. Sau khi Đức Kitô chết, trái đất rơi vào thinh lặng, và ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi “Vị Vua đang ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm và cho những người đã ngủ từ bao đời được trỗi dậy (x. Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy yêu thương đối với nhân loại.

Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa. “Chúng ta cần đến sự thinh lặng ấy, sự thinh lặng trở thành chiêm niệm và đưa chúng ta vào trong cõi thinh lặng của Thiên Chúa và đưa chúng ta đến chỗ mà Lời, Lời cứu chuộc, sinh ra” (Bài giảng trong Thánh Lễ với các thành viên Ủy ban Thần học quốc tế, 6 tháng Mười 2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta chẳng bao giờ đủ và phải nhường chỗ cho sự chiêm ngắm trong thinh lặng. Việc chiêm niệm ấy có sức mạnh làm nảy sinh tính cấp bách của việc truyền giáo, là nghĩa vụ “thông truyền điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1,3). Việc chiêm niệm trong thinh lặng ấy dìm chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu, một Tình yêu hướng chúng ta đến với người lân cận để cảm thông nỗi đau khổ của họ và đem đến cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, sứ điệp sự sống của Người và ân sủng tình yêu viên mãn sẽ cứu thoát họ.

Và rồi, trong thinh lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu - nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, đã tự tỏ mình ra còn mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta hiểu được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt lịch sử loài người. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, mặc khải của Thiên Chúa “được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu Nazareth, là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải. Người đã cho chúng ta nhận biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của con người tìm được câu trả lời nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, một câu trả lời có khả năng xoa dịu nỗi khắc khoải của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm ấy đã sinh ra sứ vụ của Hội Thánh; và Mầu nhiệm ấy thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của niềm hy vọng và ơn cứu độ, chứng nhân của một Tình Yêu làm thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng công lý và hòa bình.

Thinh lặng và Lời nói. Học truyền thông là học lắng nghe và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo Đức Kitô trong thế giới ngày nay.

Tôi xin phó thác tất cả công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Đức Maria, Đấng đã thinh lặng “lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy đơm hoa” (Kinh nguyện trong Cuộc gặp gỡ Giới trẻ tại Loretto, ngày 1-2 tháng Chín 2007), công cuộc rao giảng mà Hội Thánh đang thực thi bằng các phương tiện truyền thông xã hội.

Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2012, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana)
Nguồn: WHĐ